Pham Trang's blog

Wednesday, August 16, 2006

Ngoi nha nho tren thao nguyen




 

Ngày nhỏ chắc ai cũng thích xem „Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên“. Mình còn nhớ chiều nào đi học về cũng làm hết mọi việc, chờ đến 6h chiều để xem phim. Mỗi tập phim đều là một câu chuyện cảm động, xem mãi đến gần 200 tập mà không biết chán. Đến khi hết phim cứ mong người ta làm thêm:D. Mà cái phim đấy làm trong 9 năm chứ có ít đâu. 183 tập phim, từ lúc Laura và Mary còn bé tẹo, đến lúc 2 chị em lấy chồng, sinh con. Kể cũng hay thật! Xem phim nhớ nhất là Laura rồi, nhưng cũng phải kể đến Nellie, con bà bán tạp hóa. Nhà giàu, đỏng đảnh, lắm trò, cuối cùng lấy 1 anh Do Thái, thay đổi hẳn tính tình, hay thật:D. Mà thương




nhất là Mary, xinh đẹp, hiền lành, giỏi giang, nhưng sau lại bị mù. Nhưng cũng may là lấy được anh chồng, tuy cũng mù nhưng tốt:D. Còn nhân vật nào đáng nhớ nhỉ ? À, còn cái ông râu xồm gì đấy nữa, về sau nhận nuôi 1 thằng bé người rừng. Bao nhiêu tập phim cơ mà, làm sao mà nhớ hết được:D. Tự dưng hôm nay đang xem tivi, thấy Kabel 1 chiếu phim này, hay thật. Lại được xem lại, vẫn thấy hay và hấp dẫn như chưa xem bao giờ!




 Tối mày mò tìm ảnh trên Net, tìm thấy ảnh Melissa Gilbert, cái cô mà đóng Laura ấy, trông không còn nhận ra được nữa:D


Image

Wednesday, August 9, 2006

Bun bung^^




Tôi đã toan chấm hết cái bài nói về quà bún, thì một bà hẳn cũng là một người sành ăn đến trách rằng: Anh nói đến quà bún mà không quên nói đến quà bún bung thì hẳn ra là một sự bất công. Vì bún bung là một thứ quà ngon lắm, mà lại là một món quà rất Việt Nam.



Tôi biểu đồng tình, và vội vàng bổ vào chỗ khuyết điểm ấy, để khỏi phụ lòng những bà sành ăn bún, và khỏi phụ công những cô hàng sớm gánh nồi bún nóng đi rao khắp phố phường. Tôi còn nhớ rõ trên đầu lưỡi, tê như một lượt rùng mình nhẹ, cái vị đậm ngọt và hơi ngưa ngứa của những miếng dọc sơn hà. Cái thứ rau này, sao mà đi với bún hay thế! Tựa như trời sinh ra để nấu bún, và cái hòa hợp dịu dàng không ở đâu là không có, trong một tác phẩm văn chương cũng giống như trong một nồi bung nấu khéo.



Cây sơn hà (cây mùng) vốn là những giống tựa như cây khoai mà lá to, cù thì nhỏ và tròn như quả trứng, luộc lên ăn cũng ngon. Dọc cây, người ta tước vỏ và chẻ nhỏ, nấu kỹ cho rõ nhừ. Một vài miếng đầu mẩu sườn để lấy nướng ngọt, một ít nghệ để nhuộm thức ăn ấy một màu vàng đầm ấm như màu vàng của ráng chiều những ngày mùa hạ. Thêm dăm quả cà chua đỏ, một vài miếng đu đủ xắt vuông, màu trong mỡ như ngọc quý. Chừng thứ ấy mà có sợi bún trắng vắt qua, như một cái dây liên lạc những thức thực xa nhau, mà vì sự sành ăn của loài người bỗng chốc nên gần gụi. Thế là bát bún bung không biết bao nhiêu vị điểm lẫn cho nhau như các tiếng của bản đàn. Nếu ngài lại thích ăn cay nữa, thì mấy nhát quả ớt chỉ thiên, đủ khiến chi vị quà thêm cái nóng rực rỡ và thắm màu của những gia vị lạ nơi Ấn Độ.


                      


                   Trích "Hà Nội ba mươi sáu phố phường" của Thạch Lam


 


Ực, thèm bún bung quá:D.


Sunday, August 6, 2006

Thang bay, ngay ram xa toi vong nhan

 …Ở đất Bắc sang tháng bảy trời chưa lạnh nhưng đứng ở trên cao mà nhìn ra sông nước người ta thấy trời đất cỏ cây ướt sũng một thứ hơi đùng đục, khiến người ta linh cảm như sắp có một cái gì làm cho ta bứt rứt, làm cho ta tấm tức. Trời thấp lè tè. Thỉnh thoảng, lại có một làn gió ướt thoảng qua. Ai cũng đoán ra sắp mưa. Quả nhiên mưa thực, nhưng cái mưa gì mà buồn không chịu được! Nó lai rai như muốn cứa vào thần kinh ta, nó tạnh một lát rồi lại mưa, mưa đều trên mái nhà, nưa đều trên bụi cây đồi cỏ, có lúc im phăng phắc nhưng có lức lại trút xuống rào rào, rồi lại mưa đều đều, và cứ mưa như thế hết ngày này sang ngày khác, hết đêm nọ đến đêm kia, chán không để đâu cho hết, mà rầu rĩ trong lòng không biết bao nhiêu.


  …Những đêm như thế, người nằm nghe mưa thấy trong cõi buồn vơ vẩn một thú vị nhẹ nhàng của người được đau khổ để cảm thông cái đau khổ của bao nhiêu người khác cũng đau khổ như mình, đương sống hay đã chết. Đêm mưa sườn sượt nghe thấy tiếng van xin của những người ăn mày ở đang xa vọng tới, hay tiếng guốc lê sền sệt trên đường khuya, hoặc tiếng rao buồn muốn chết của những người đi bán hàng khuya chưa về với gia đình, mình tự nhiên thấy chán chường cho kiếp sống và tự hỏi, có nhiều người khổ quá sức là khổ thế thì có thể gọi họ là người được không?


  Nhưng nói cho cùng thì sống chết đều khổ cả. Ai bảo chết là xong chuyện ? Ờ thì cứ bảo là phản khoa học đi, bảo là dị đoan đi, nhưng thâm tâm tôi bao giờ cũng tin rằng chết không phải là hết, rất nhiều người chết mà vẫn khổ như thường.


  Ấy là những người chết mà không siêu thoát, chết mà vẫn nuối tiếc cái gì, chết mà không nhắm mắt, vì còn ân hận. Ấy là những người trước đây lăm le thay đổi non sông nhưng gặp phải vận cùng thế khuất; ấy là những kẻ màn lan trướng huệ gặp phen thay đổi sơn hà chỉ còn mảnh lá che thân; ấy là những kẻ lâu đài phượng các không còn ai bát nước nén nhang; ấy là những kẻ vào sông ra bể, đem thân chôn dấp vào lòng kình nghê; ấy là những kẻ mắc đoàn tù rạc, gửi mình vào chiếu xác một manh, những kẻ chìm sông lạc suối, những kẻ gieo giếng thắt dây; ấy là những đứa trẻ lỗi giờ sinh phải lìa cha mẹ từ tấm bé, không có ai bồng bế.


                              Thương thay thập loại chúng sinh


                              Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người.


                              Hương lửa đã không nơi nương tựa,


                              Hồn mồ côi lần lữa bấy nhiêu…


 Những hồn mồ côi ấy siêu thoát làm sao được, đành là cứ phải vất vưởng ở ngang bờ dọc bụi, lang thang ở quán nọ cầu này, nay hiện lên ở đầu chợ cuối sông, mai lại lập loè ở chân mây ngọn suối.


                              Khi sầm sầm mưa gào gió thét,


                              Khi âm huyền mờ mịt trước sau;


                              Ngàn cây nội cỏ rầu rầu


                              Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường.


 Những cô hồn vô định, côi cút ấy đành là chỉ còn biết trông vào những người có đôi chút từ tâm, ngày rằm mồng một thí bỏ cho bát cháo nắm xôi, hay đốt cho thoi vàng manh áo để rồi.


                             Nghe gà gáy kiếm đường lánh ẩn,


                             Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra.


  Tháng bảy mưa Ngâu, thắp ngọn đèn con lên mà niệm một mình bài „Văn tế thập loại chúng sinh“, quái thật, sao mình cố giữ cho lòng bình tĩnh mà như có sóng gió nổi lên ở trong tim?


  Nửa đêm về sáng, trời đất bắt đầu lành lạnh. Gớm ghiếc cho cái mưa quái quỷ cứ kéo lê thê mãi không có một lúc nào ngớt hột. Ngoài kia, trời tối mù mù.


  Có ai thức vào những lúc này có cảm giác thấy gì không, chớ tôi thú thực có nhiều lần đã ớn lạnh nơi xương sống vì tưởng tượng như trông thấy những cô hồn rách rưới tang thương kéo từng đoàn đi lờ lững trông không khí âm u sương khói….


                                    Trích „Thương nhớ mười hai“ của Vũ Bằng